image banner
Các bước thành lập công đoàn cơ sở

Quy trình và hồ sơ thành lập công đoàn cơ sở

 

Theo quy định tại Điều 5, Luật Công đoàn năm 2012 và Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI, Công đoàn cơ sở (CĐCS) được thành lập tại các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có sử dụng lao động là người Việt Nam, khi có đủ hai điều kiện sau: (1) Có ít nhất năm đoàn viên công đoàn hoặc năm người lao động có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; (2) Có tư cách pháp nhân.

* Về Quy trình thành lập Công đoàn cơ sở: 

Theo Hướng dẫn số 238/HD-TLĐ ngày 04/3/2014 của Tổng LĐLĐ Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ Công đoàn Việt Nam khóa XI, quy trình thành lập CĐCS gồm 3 bước sau:

Bước 1. Thành lập Ban vận động thành lập CĐCS (sau đây gọi tắt là Ban vận động):

+ Điều kiện thành lập Ban vận động: Khi có từ ba người lao động trở lên đang làm việc tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam.

+ Người lao động (có đơn tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam) tự tập hợp, thống nhất bầu Trưởng ban vận động.

+ Ban vận động có trách nhiệm: tổ chức vận động thành lập CĐCS; vận động người lao động tự nguyện gia nhập Công đoàn Việt Nam; đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hướng dẫn việc tổ chức hội nghị thành lập CĐCS.

Bước 2: Tổ chức hội nghị thành lập CĐCS: 

- Nội dung hội nghị gồm:

+ Báo cáo quá trình vận động người lao động gia nhập công đoàn và tổ chức thành lập CĐCS;

+ Báo cáo danh sách người lao động có đơn tự nguyện gia nhập công đoàn (hoặc danh sách những người đã là đoàn viên công đoàn hiện đang công tác tại cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp);

+ Tuyên bố thành lập CĐCS;

+ Bầu Ban chấp hành CĐCS;

+ Thông qua chương trình hoạt động của CĐCS.

- Đối với việc bầu cử Ban chấp hành tại hội nghị thành lập CĐCS thực hiện theo nguyên tắc bỏ phiếu kín, người trúng cử phải có số phiếu tán thành quá 1/2 so với số phiếu thu về. Phiếu bầu cử phải có chữ ký của trưởng ban vận động ở góc trái, phía trên phiếu bầu.

Bước 3: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở (LĐLĐ cấp huyện, Công đoàn ngành) ra quyết định công nhận: 

Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của Ban chấp hành CĐCS, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm thẩm định tính hợp pháp của quá trình thành lập CĐCS.

- Trường hợp đủ điều kiện thì ra các quyết định: công nhận đoàn viên, công nhận CĐCS, công nhận Ban chấp hành.

- Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì thông báo bằng văn bản tới Ban vận động thành lập CĐCS.

* Hồ sơ đề nghị công nhận đoàn viên, CĐCS, Ban Chấp hành CĐCS: 

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi kết thúc hội nghị thành lập CĐCS, Ban Chấp hành CĐCS sở gửi hồ sơ, đề nghị công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở quyết định công nhận đoàn viên, CĐCS, Ban Chấp hành CĐCS, hồ sơ gồm:

+ Văn bản đề nghị công nhận đoàn viên, CĐCS, Ban chấp hành CĐCS;

+ Danh sách đoàn viên, kèm theo đơn gia nhập Công đoàn Việt Nam của người lao động;

+ Biên bản hội nghị thành lập CĐCS;

+ Biên bản kiểm phiếu bầu Ban chấp hành CĐCS.

 Trách nhiệm của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở: 

a.Cán bộ công đoàn cấp trên có quyền và trách nhiệm tiếp cận người lao động tại nơi làm việc và ngoài nơi làm việc để tuyên truyền, vận động người lao động gia nhập Công đoàn. 

b.Hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động thành lập công đoàn cơ sở: 

Khi người lao động tổ chức ban vận động hoặc khi có đề nghị về việc thành lập công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm cử cán bộ đến cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nơi chuẩn bị thành lập công đoàn cơ sở để trực tiếp hướng dẫn, hỗ trợ giúp đỡ việc tổ chức ban vận động thành lập công đoàn cơ sở, tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở. Mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chỉ tổ chức một ban vận động thành lập công đoàn cơ sở. Trường hợp người lao động tổ chức nhiều ban vận động trong cùng cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ người lao động liên kết thành một ban vận động, hoặc chỉ định thành viên của ban vận động thành lập công đoàn cơ sở.

c.Thẩm định, quyết định công nhận hoặc không công nhận đoàn viên, công đoàn cơ sở và ban chấp hành công đoàn cơ sở: 

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị của công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở có trách nhiệm: 

-Thẩm định quá trình tổ chức ban vận động, tập hợp người lao động, đảm bảo tính tự nguyện, khách quan; quá trình tổ chức hội nghị thành lập công đoàn cơ sở và bầu ban chấp hành theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, đảm bảo tính đại diện đối với tập thể người lao động trong cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. 

-Trường hợp đủ điều kiện công nhận thì ra các quyết định công nhận, bao gồm: de 

+Quyết định công nhận đoàn viên, theo danh sách đoàn viên. 

+Quyết định công nhận công đoàn cơ sở. 

+Quyết định công nhận ban chấp hành và các chức danh trong ban chấp hành. Thời gian hoạt động của ban chấp hành công đoàn cơ sở do hội nghị thành lập công đoàn cơ sở bầu ra không quá 12 tháng. 

-Trường hợp không đủ điều kiện công nhận thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thông báo không công nhận đoàn viên hoặc công đoàn cơ sở, ban chấp hành công đoàn cơ sở. Đồng thời cử cán bộ công đoàn trực tiếp truyên truyền, vận động người lao động tự nguyện gia nhập công đoàn; quyết định kết nạp đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, chỉ định ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn và các chức danh trong ban chấp hành, ủy ban kiểm tra lâm thời công đoàn theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 17, Điều lệ Công đoàn Việt Nam.

      Để được hướng dẫn cụ thể xin mời liên hệ: LĐLĐ thi xã Bình long, điện thoại: 0271.3666459; Email: ldldthixa.binhlong@gmail.com
Tải mẫu tại đây

Trang thông tin điện tử Công đoàn thị xã Bình Long

 Địa chỉ:  02 đường Lý Thường Kiệt, phường Phú Đức, thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước

 Điện thoại: 02713.666.459

Email: ldldthixa.binhlong@gmail.com

 Chịu trách nhiệm nội dung: Chủ tịch Công đoàn thị xã Bình Long

Thiết kế bởi VNPT Bình Phước | Quản trị